Gặp gỡ và giao lưu “Kết nối cà phê đặc sản” nhu cầu gấp rút


Gặp gỡ và giao lưu “Kết nối cà phê đặc sản” nhu cầu gấp rút

Việt Nam là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới và là nước xuất khẩu robusta đứng đầu trên phạm vi toàn cầu. Dù đã có thương hiệu chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột để báo với thương trường rằng “nước chúng tôi có cà phê’’ nhưng các chứng nhận nhằm khẳng định: “Việt Nam có cà phê ngon” vẫn còn bỏ ngỏ.

Hàng năm, bình quân chỉ chừng 5% sản lượng cà phê Việt Nam được sử dụng để tiêu thụ nội địa, số 95% còn lại dành cho xuất khẩu dưới dạng “hàng xá” (hàng rời, không bao kiện). Nhiều người tin rằng tỷ lệ tiêu thụ trong nước đang được nâng dần lên 10%, nhưng con số ấy chỉ là ước đoán vì chưa có một nghiên cứu thị trường nào đủ nghiêm túc để lấy làm bằng chứng.

Với sản lượng niên vụ 2018-2019 ước 1,8 triệu tấn, người dân trong nước tiêu thụ chừng 90 ngàn tấn. Nhưng vấn đề, không phải ai cũng được uống ly cà phê ngon mà lẽ ra họ đáng được hưởng thụ. Các phương tiện truyền thông đại chúng đã không ít lần lên tiếng vì nạn cà phê “bẩn”.

Trong khi đó, thị trường xuất khẩu cà phê chưa tìm được phương cách nào để thoát khỏi sự lệ thuộc vào giá niêm yết trên sàn kỳ hạn cà phê robusta London. Phải nói rằng 100% hợp đồng xuất khẩu đều phải lấy giá kỳ hạn làm tham chiếu do sự đồng thuận giữa nhà nhập khẩu và xuất khẩu nước ngoài. Quy định bất thành văn trong kinh doanh xuất khẩu hiện nay là nhà xuất khẩu phải mua hàng sẵn mới có hợp đồng xuất khẩu.

Thế nhưng, theo sóng giá tính trong 10 năm đổ lại đây, nếu mua bán cà phê theo luật ấy, các nhà kinh doanh cà phê trong nước ‘’vào ba ra bảy’’, tức chỉ có 3 năm kinh doanh có lời và đến 7 năm thua lỗ (xem hình 1). Nếu chỉ tính từ 2017 đến nay, giá liên tục rớt và tuần qua đã có lúc chạm mức thấp nhất tính từ 4 năm nay tại 1.366 đô la/tấn.

Vấn đề ở đây là do giá xuất khẩu thấp, giá cà phê nội địa đã xuống dưới giá thành sản xuất. Trong khi giá cà phê nội địa ngày 21-4-2019 trên địa bàn chừng 31,7 triệu đồng mỗi tấn thì giá thành sản xuất cà phê của nhà vườn ở mức 32,6 triệu đồng mỗi tấn, ông Nguyễn Tiến Dũng, trưởng phòng Dự án cà phê bền vững của công ty Simexco Daklak, người có trên 10 năm gắn bó với nông dân dẫn theo một nghiên cứu riêng của chính ông về chi phí sản xuất cà phê.

Trong ngày ‘’Kết nối Cà phê đặc sản’’ được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột ngày 20-4-2019, nhiều nông dân tâm huyết với sản xuất cà phê chất lượng như các ông Minh và Trọng ở các hợp tác xã cà phê Ea Tân, Ea Tu (Đắc Lắc), ông Quê (Khe Sanh, Quảng Trị) đều than khó khăn về giá cũng khẳng định thêm điều nói trên của ông Dũng.

Xu hướng tiêu thụ cà phê đã thay đổi

Đối mặt với một thị trường cà phê mà trong đó người làm ra sản phẩm và các nước sản xuất không có quyền quyết định giá bán, rủi ro lớn nhất là họ chặt bỏ cây cà phê do không bảo đảm được sinh kế của gia đình, thậm chí có người đang tìm cách bán vườn bán nhà để tìm nơi khác làm ăn.

Giá cà phê thấp đến nỗi các nước sản xuất đã ra lời kêu gọi các sàn giao dịch phái sinh “nương tay” (1) không thì nông dân cà phê “chết mất’”.

“Tự cứu mình trước khi trời cứu”. Bằng mọi phương tiện và biện pháp, các nước sản xuất cà phê đã và đang ra sức giành thị trường tiêu thụ. Lần này ngoài việc thường làm là “tranh mua tranh bán” theo sàn với các hãng rang xay, họ dùng “vũ khí” chất lượng ly cà phê mang bản sắc của từng vườn, từng vùng miền của họ để chiếm lĩnh người tiêu thụ cuối cùng là những người uống cà phê hàng ngày.

Trong một khảo sát phát hành cuối năm 2017 của Hiệp hội Cà phê Mỹ (NCA), Heather Ward, Giám đốc Ban Nghiên cứu thị trường Hiệp hội Cà phê đặc sản Mỹ (SCA) nói rằng, trong thời gian 18 năm khảo sát, tiêu thụ cà phê đặc sản hàng ngày tại Mỹ tăng liên tục.

Tính hàng tuần năm 2017, tiêu thụ sản phẩm này tăng 53% so với 2016 là 45%. Mỗi ngày (2017) một người Mỹ chuộng cà phê đặc sản uống bình quân 2,97 ly so với 2,24 ly năm 2001. Nước Mỹ là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới. Cứ trong 100 ly cà phê được tiêu thụ, 59 ly là cà phê đặc sản và 41 ly không phải đặc sản (2), bài khảo sát cho biết

Một điều đáng buồn là người Mỹ chỉ tin rằng cà phê đặc sản được chế biến từ loại arabica chứ không phải robusta, là loại cà phê được trồng chủ yếu từ Việt Nam.

Những cánh chim cô đơn

Cũng hàng năm, tại Mỹ và châu Âu… đều tổ chức các hội chợ, thi thử nếm, đấu xảo cà phê… bất luận từ đất nước, vùng miền, vườn nhỏ vườn to nào.

Chính ở đó những nhà sản xuất cà phê có dịp chứng minh thương hiệu cà phê ngon, cà phê đặc sản, và là dịp để thu hút người tiêu thụ trực tiếp gồm những nhà chuyên doanh cà phê ngon, (chuỗi) tiệm cà phê, người uống trực tiếp.

Từ hội chợ, qua Facebook, Giám đốc Phan Minh Thông viết trên status của ông với nội dung rằng: “Việt nam đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng không có mặt tại Hội chợ Cà phê đặc sản Mỹ (SCAA), Boston, Mỹ, nơi quy tụ cà phê đặc sản thế giới. Ở Mỹ đã không thấy, mà trước đây tại châu Âu cũng vắng bóng… “Sao mà số 1 số 2 được? Bao giờ bán giá tốt đây?”. Ông cũng cho biết “ông to ông nhỏ” của Brazil và các nước Nam Mỹ đều tham dự, Indonesia không khi nào vắng. ‘’Đó là lý do vì sao giá arabica Việt Nam thấp nhưng hàng arabica Indonesia bán 6.000 – 8.000 đô la/tấn!’’. (Giá đóng cửa sàn arabica New York 18-4-2019 ở mức 92.90 cts/lb tương đương 2.048 đô la/tấn).

Từ hội chợ Boston về với tư cách người có mẫu robusta Buôn Ma Thuột gửi thi thử nếm, ông Trần Đình Trọng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Eatu phát biểu trong ngày hội “kết nối” rằng, mẫu robusta dự thi của vùng cà phê Eatu được ban giám khảo chấm 82 điểm, cao hơn 2 điểm so với mức đầu tiên được công nhận là cà phê đặc sản. Indonesia cũng có một mẫu đạt với mức 83 điểm (trong tất cả 10 mẫu cà phê ngon nhất thế giới vào vòng chung kết với 8 mẫu arabica và 2 mẫu robusta).

Tự hào thay! Nhưng cả ông Trọng và ông Thông không muốn lấy vinh dự ấy làm của riêng, mà kêu gọi niềm vui ấy phải từ tập thể, vì tập thể những người nông dân và nhà chế biến cà phê Việt Nam.

Không thể chậm trễ

Yêu cầu sự ra đời một hiệp hội cà phê đặc sản để định hướng kinh doanh, cải thiện giá cả, giảm dần lệ thuộc vào giá niêm yết của các sàn kỳ hạn, dần xây dựng nên nhiều thương hiệu cà phê ngon và nhất là tạo được thị trường cho nền sản xuất cà phê bền vững, bảo đảm sinh kế cho nông dân và nhà chế biến tâm huyết với chất lượng cà phê.

Không chỉ các nước trồng arabica đang tranh giành ảnh hưởng thị trường tiêu thụ cà phê ngon, sạch, đặc sản. Các nước sản xuất robusta châu Phi đã đến với các hội chợ giống như ở Boston với “cái dù” chung Hiệp hội Cà phê đặc sản châu Phi (African Fine Coffee Association) và “cái dù” riêng của từng quốc gia, của từng vườn cà phê.

Nhiều nước sản xuất cà phê tại châu Á, dù sản lượng rất nhỏ hay đi sau Việt Nam hàng chục năm như Lào, Myanmar, Ấn độ, Trung Quốc, Thái Lan và ngay cả Malaysia… đều đã lập nên hiệp hội cà phê đặc sản vì yêu cầu mới của thị trường và xu hướng tiêu thụ.

Trễ một ngày là chậm mất mấy “chuyến tàu” ra thị trường. Vả lại, với hiện tượng thời tiết cực đoan, sản lượng robusta càng lúc càng lấn sân arabica và khuynh hướng tiêu thụ robusta càng lúc càng lớn dần.

Báo cáo mới nhất (3-2019) của Tổ chức Cà phê thế giới cho rằng tỷ lệ cà phê trong tổng sản lượng cà phê thế giới gồm 103.714.000 bao (60kg/bao) arabica và 64.369.000 bao robusta; robusta chiếm chừng 38%. Theo một  dự báo sản lượng cà phê thế giới kịch bản chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, đến 2050 sẽ vượt khỏi 50% (xem hình 2).

Việt Nam là nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới, lại có nguồn gien tốt gốc Uganda, do vậy chất lượng nội tại của hột cà phê robusta Việt Nam bảo đảm là tốt và ngon, lại được trồng ở nhiều vùng có thổ nhưỡng và khí hậu lý tưởng. Thị trường tiêu thụ cà phê ngon robusta đang phát triển vì đó là xu hướng tất yếu của thị trường, tuyệt đại bộ phận nông dân đều tâm huyết với chất lượng, thiết tha sống chết với cây cà phê vườn nhà, thì không cớ gì để không có ly cà phê ngon cho người mình uống và cả người tiêu thụ sử dụng một cách đàng hoàng, ông Trịnh Đức Minh, tiến sĩ nông học, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột nói.

Trễ một ngày cho sự ra đời của một tổ chức có trách nhiệm với cà phê đặc sản Robusta Việt Nam là mất cơ hội một đời!

– Ông Trần Đình Trọng, chủ nhiệm Hợp Tác Xã Nông Nghiệp Dịch Vụ Công Bằng EaTu

Đúng vậy, một ly cà phê không phải cà phê vẫn bị cho là cà phê; chưa ai công nhận thế nào là cà phê đặc sản, thì đều cho tiệm mình bán cà phê “đặc sản”. Người tiêu thụ cà phê ở nước ngoài đã không biết Việt Nam có cà phê ngon, người trong nước rối mù với các kiểu cà phê đặc sản tự xưng… Còn biết bao nhiêu cà phê đều được đem bán dưới dạng “hàng xá” giá rẻ mù mờ thương hiệu, chất lượng cà phê không biết neo đậu nơi đâu.

Yêu cầu sự ra đời của một hiệp hội cà phê đặc sản là một bức bách của toàn ngành cà phê Việt Nam không thể chậm hơn.

(1) /287795/nong-dan-nam-my-dieu-dung-vi-gia-ca-phe-lao-doc.html
(2)https://nationalcoffee.blog/2017/12/04/infographic-how-many-people-in-the-united-states-drink-specialty-coffee/
(3) “Modelling the climate change impacts on global coffee production”, trang 137, Christian Bunn, luận án tiến sỹ nông học Đại học Humboldt, Berlin, 16-10-2015.

+ Chưa có phản hồi.

Thêm ngay.