Với điều kiện tự nhiên lý tưởng của nền đất bazan trẻ, độ cao từ 400-800m so với mực nước biển, biên độ nhiệt ngày đêm cao đã ban tặng cho cà phê sinh trưởng trên cao nguyên Buôn Ma Thuột. Không chỉ đạt sản lượng cao vào bậc nhất thế giới mà còn kết tinh trong hạt cà phê phẩm vị thơm ngon đặc biệt được người tiêu dùng biết đến từ lâu với tên gọi Cà phê Buôn Ma Thuột. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm địa phương cần phải có chiến lược khai thác hợp lý lâu dài, khuếch trương danh tiếng địa phương cũng như góp phần tạo dựng hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Bên cạnh sản xuất và thương mại các sản phẩm cà phê bền vững có chứng nhận, Cà phê có chỉ dẫn địa lý là một trong những xu hướng phát triển quan trọng được một số quốc gia đặc biệt quan tâm như Colombia với chỉ dẫn cà phê Cafe de Colombia và Narino, Jamaica với cà phê Blue Mountain, Guatemala với cà phê Antigua, Mexico với cà phê Veracruz, Hawaii (Mỹ) với cà phê Kona, Ethiopia với Harrars và Yirgacheffes,Tanzania với cà phê Kilimanjaro, Ấn Độ với Monsooned Malabar, Indonesia với Java, Toraja… Hiện nay trong thị trường cà phê đặc sản, cà phê mang chỉ dẫn địa lý có khối lượng lưu thông còn khiêm tốn nên thường bán được giá cao.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nông sản là một xu thế lớn trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong những năm gần đây. Nhận thức được vị thế chiến lược, lợi thế cạnh tranh của ngành cà phê với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như nhu cầu cấp thiết bảo hộ tài sản trí tuệ địa phương nên UBND tỉnh Đắk Lắk đã đứng tên đăng bạ chỉ dẫn địa lý “cà phê Buôn Ma Thuột” – tên GD Tiếng Anh: Buon Ma Thuot Coffee – để bảo hộ trong nước và tiến tới bảo hộ quốc tế. Chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” được đăng bạ theo quyết định số 896 QĐ-SHTT ngày 14/10/2005 của cục sở hữu trí tuệ. Đăng bạ này có giá trị bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây là mốc lịch sử đáng nhớ trong chặng đường phát triển đầy thử thách của ngành cà phê địa phương.
Mô tả chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột
Yếu tố lịch sử, con người:
Theo những tài liệu lịch sử còn được lưu giữ tại các thư viện và bảo tàng cũng như tư liệu lịch sử phát triển nghề trồng cà phê thì cà phê vối Robusta được trồng ở vùng Buôn Ma Thuột kể từ những năm 1920s với các đồn điền cây công nghiệp do người Pháp khai thác thuộc địa thành lập và rất nổi tiếng thời đó như hai đồn điền quy mô lớn hàng ngàn hecta của Công ty Cao nguyên Đông dương (C.H.P.I) và Công ty Nông nghiệp An Nam (C.A.D.A), chiếm lĩnh vùng đất Bazan bằng phẳng và trù phú bậc nhất của cao nguyên Buôn Ma Thuột, ngày nay vẫn là vùng cà phê tập trung theo quốc lộ 14 và 26 phụ cận thành phố Buôn Ma Thuột. Từ năm 1925 đến 1959 có 49 đồn điền và trang trại lớn nhỏ, hầu hết chủ là người Pháp, được thành lập với tổng diện tích cà phê khoảng 5.200 ha.
Đến năm 1975, tổng diện tích cà phê ở Đắk Lắk tăng lên 8.600 ha, cho sản lượng hàng năm trên 11.000 tấn nhân, hầu hết là cà phê Robusta. Trong suốt thời kỳ từ 1925 đến 1975, tuy sản lượng không nhiều nhưng hạt cà phê Buôn Ma Thuột đã đến được nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều người sành điệu đã thực sự ngưỡng mộ chất lượng và hương vị thơm ngon của nó.
Sau này miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tỉnh Đắk Lắk đã sớm phát triển ngành sản xuất Cà phê với sự ra đời của hàng loạt cá nông trường cà phê như: Thắng Lợi, 10-3, Đức Lập, Ea Hồ, Phước An… do Công ty quốc doanh nông nghiệp tỉnh trực tiếp quản lý. Cũng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nhiều nông trường cà phê do Trung ương quản lý nhanh chóng ra đời có sự hợp tác của một số quốc gia trong khối Đông Âu cũng như Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc.
Từ sau năm 1986, nhờ chính sách đổi mới kinh tế của Đảng và Nhà nước, tỉnh Đắk Lắk thực sự bước vào một thời kỳ hưng thịnh của cây cà phê, hình thành dần các vùng chuyên canh cà phê lớn tập trung ở Thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Krông Păk, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Ana, Krông Buk, Krông Năng, Ea Kar. Các vùng chuyên canh này chiếm khoảng 86% diện tích và 89% sản lượng toàn tỉnh.
Đến nay trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế,cà phê Buôn Ma Thuột đã có mặt tại thị trường của khoảng 80 nước trên thế giới, trong đó có những bạn hang rất khó tính, đòi hỏi khắt khe về chất lượng như Mỹ, Nhật, một số nước Tây Âu. Tuy trải qua nhiều thăng trầm do biến động thị trường nhưng sản xuất và kinh doanh cà phê luôn là hoạt động kinh tế chủ đạo của khoảng 500.000 người dân trong vùng có cuộc sống phụ thuộc vào cà phê.
Đôi nét phác thảo cho thấy Chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” gắn với bề dày lịch sử phát triển gần 90 năm và tích lũy kinh nghiệm qua nhiều thế hệ của người dân trong vùng.
Ngoài lợi thế tự nhiên, chất lượng sản phẩm còn tích tụ tinh hoa của truyền thống cần cù, lao động sáng tạo của con người. Cà phê luôn là biểu tượng để tôn vinh và là niềm tự hào của cộng đồng.
Vùng địa danh và điều kiện tự nhiên đặc thù:
Với sự hỗ trợ của công nghệ GIS, vùng địa danh cà phê Buôn Ma Thuột được xác định nằm trong các huyện: Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Buk, thị xã Buôn Hồ, Krông Năng, Krông Pắk, thành phố Buôn Ma Thuột gồm 107.500 ha cà phê với những đặc thù của điều kiện tự nhiên như sau:
a) Đất trồng cà phê là đất đỏ Bazan; Tầng dầy trên 70 cm và độ dốc ít hơn 150
b) Độ cao so với mặt nước biển từ 400m – 800m
c) Nhiệt độ trung bình các tháng trong năm là 24 – 260C
d) Biên độ dao động nhiệt độ ngày và đêm:
- Từ tháng IX đến tháng X từ 11,30C trở lên
- Từ tháng XI đến tháng XII từ 13,50C trở lên
e) Số giờ nắng trong năm trung bình là 2.400 -2.800 giờ;
g) Tổng lượng mưa trung bình từ tháng V đến tháng IX :>=1.000mm;
h) Tổng lượng mưa trung bình tháng I: <=15mm
Như vậy, có thể thấy yếu tố tự nhiên có tính quyết định nhiều nhất đến chất lượng cà phê là:
– Phạm vi nhiệt độ thích hợp, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn vào giai đoạn cà phê già chín, thu hoạch.
– Độ cao so với mặt biển lý tưởng đối với yêu cầu cà phê Robusta.
– Lượng mưa đầy đủ trong giai đoạn phát triển quả và hình thành hạt.
– Nền đất phì nhiêu, đó là đất đỏ phát triển trên đá mẹ bazan, tầng đất sâu, tính chất vật lý lý tưởng, độ phì tự nhiên cao.
– Ngoài ra, giống cà phê vối thuộc nhóm Robusta có chất lượng cao hơn Kouillou.
Các đặc trưng chất lượng cà phê:
Cà phê nhân mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột là cà phê vối Robusta với các đặc trưng vật lý sau:
– Màu sắc: Xanh xám, xanh lục hoặc xám lục nhạt;
– Kích thước: dài 10-11mm, rộng 6-7mm, dày 3-4mm;
– Mùi: Mùi tự nhiên của cà phê nhân sống, không có mùi lạ khác;
– Độ ẩm: 12,5%.
Khi rang đến độ chín thích hợp có hương thơm đặc trưng của cà phê. Vị nước cà phê đắng dịu, nhẹ, không bị khé chát, thể chất trung bình đến cao, ít chua, hàm lượng caffeine 2,0-2,2%
Cà phê nhân lưu thông trên thị trường gồm hạng đặc biệt,hạng 1a và 1b, hạng 2a và 2b, phân loại theo TCVN 4193-2005.
Quy trình sản xuất và chế biến:
Cà phê mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột được sản xuất và chế biến theo quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến do UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành (Quyết định số 674/QĐ-UB ngày 20/4/2005). Bản quy định này dựa trên quy trình sản xuất và chế biến cà phê vối do Bộ NN&PTNT ban hành. Đặc điểm của quy trình là hướng đến sản xuất cà phê bền vững, thực hành nông nghiệp tốt.
(Trích báo cáo: Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột/ Trịnh Đức Minh/PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk/Phó chủ tịch hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột)