EATU CAFE đạt giải cuộc thi CÀ PHÊ ĐẶC SẢN VIỆT NAM 2019


EATU CAFE đạt giải cuộc thi CÀ PHÊ ĐẶC SẢN VIỆT NAM 2019

Chiều 10-3, nằm trong các hoạt động của Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7-2019, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà-phê – Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển cà-phê đặc sản Việt Nam”.

Các đồng chí Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y Giang Gry Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê – Ca-cao Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Đây là Hội thảo đầu tiên về phát triển cà-phê đặc sản ở Đác Lắc, thủ phủ cà-phê của cả nước.

Tại Hội thảo, lãnh đạo chính quyền, chủ doanh nghiệp, nhà khoa học và các chuyên gia tiêu biểu trong lĩnh vực cà-phê trong nước và quốc tế trình bày tham luận, làm rõ lợi ích kinh tế; trao đổi kinh nghiệm từ chọn giống, làm đất, đến trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, rang xay để cho ra sản phẩm cà-phê đặc sản. Đồng thời bàn thảo những vấn đề đang đặt ra mà Việt Nam cần giải quyết, nhằm hướng đến mục tiêu phát triển cà-phê đặc sản, nâng cao giá trị kinh tế cho ngành hàng cà-phê. Trong đó, tiêu biểu như tham luận “Nâng cao giá trị cà-phê Việt Nam cơ hội và thách thức” của tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nêu rõ hiện trạng tình hình sản xuất cà-phê Việt Nam và những thách thức đang đặt ra để sản xuất bền vững và từng bước tiến đến phát triển cà-phê đặc sản.

Tham luận của các đại biểu quốc tế như “Thị trường cà-phê đặc sản Nhật Bản”; “Những ảnh hưởng của phương pháp sơ chế đến công nghiệp cà-phê đặc sản và giá cả của Malaysia”; “Hiện trạng và kinh nghiệm phát triển cà-phê đặc sản ở Indonesia”, đã làm rõ thế nào là cà-phê đặc sản, lợi ích kinh tế từ cà-phê đặc sản mang lại.

Ngoài ra, các tham luận: “Chất lượng thử nếm của các giống cà-phê trồng tại Việt Nam”; “Tổ chức sản xuất cà-phê nhân đặc sản”; “Kinh nghiệm và đề xuất trong phát triển thị trường cà-phê đặc sản Việt Nam”; “Một số đề xuất phát triển cà-phê đặc sản Việt Nam”… của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong nước đã tập trung làm rõ những vấn đề Việt Nam cần thực hiện trước mắt và lâu dài, từng bước nâng cao tỷ trọng sản lượng cà-phê đạt chất lượng cà-phê đặc sản.

Hội thảo thống nhất, về mặt vĩ mô cần có quan điểm, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích người sản xuất, nhà chế biến, rang xay, phân phối thích nghi, hưởng ứng phát triển cà-phê đặc sản; đồng thời đưa ra bộ tiêu chí, tiêu chuẩn chuẩn trong đánh giá chất lượng, xây dựng thương hiệu. Phát triển cà-phê đặc sản là hướng đi đúng mà các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã và đang thực hiện, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người sản xuất, chế biến, tiêu thụ mà còn đòi hỏi chính đáng mà thị trường tiêu thụ, người tiêu dùng trong nước và thế giới đang đặt ra.

Cũng trong chuỗi các hoạt động Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột, chiều 9-3, Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột đã tổ chức Lễ trao giải cuộc thi “cà-phê đặc sản” Việt Nam năm 2019. Cuộc thi được phát động từ tháng 1-2019, có 31 đơn vị, với 42 mẫu cà-phê được sản xuất tại các vùng trồng cà-phê trên cả nước tham dự. Trong đó có 34 mẫu cà-phê Robusta và tám mẫu cà-phê Arabica.

Trải quan hai vòng sơ loại và chung kết, Ban tổ chức đã công nhận 25 mẫu cà-phê đạt tiêu chuẩn cà-phê đặc sản, trong đó bảy mẫu cà-phê đạt chất lượng cao nhất được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen và cúp vàng.

Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh cho biết, cuộc thi cà-phê đặc sản Việt Nam được tổ chức theo mô hình các cuộc thi của các nước sản xuất cà-phê tại Trung Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi. Việc đánh giá chất lượng cà-phê tuân theo các tiêu chuẩn, quy trình thủ tục của tổ chức cà-phê đặc sản quốc tế ban hành và được cộng đồng cà-phê đặc sản thế giới áp dụng. Ban tổ chức cũng đã mời các thành viên giám khảo có chứng chỉ đánh giá chất lượng do Viện chất lượng cà-phê quốc tế CQI cấp. Đặc biệt, vòng chung kết có sự tham gia đánh giá của giám khảo quốc tế là các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Nhật Bản, Mexico, Indonesia là giám khảo của nhiều cuộc thi liên quan đến cà-phê đặc sản được tổ chức nhiều nơi trên thế giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cà-phê đặc sản Việt Nam năm 2019 cho biết, cuộc thi cà-phê đặc sản Việt Nam năm 2019 lần đầu tiên được tổ chức nhằm phát hiện, tôn vinh cà-phê và đơn vị sản xuất cà-phê nhân đạt tiêu chuẩn là cà-phê đặc sản; giới thiệu quảng bá cà-phê đặc sản Việt Nam đến với người tiêu dùng, nhà rang xay trong và ngoài nước. Đây còn là dịp để kết nối trực tiếp nhà rang xay với đơn vị sản xuất cà-phê đặc sản, phát triển thị trường, gia tăng giá trị hạt cà-phê, tạo động lực cho người trồng tâm đến nâng cao chất lượng sản phẩm. Kết quả của cuộc thi đã bước đầu góp phần khẳng định ngành cà-phê Việt Nam có tiềm năng tham gia phân khúc thị trường. UBND tỉnh Đác Lắc cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như sự hỗ trợ thích đáng cho việc phát triển sản phẩm. Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ có những đề xuất chính sách, cơ chế phát triển cà-phê đặc sản ở cấp quốc gia trong thời gian đến.

NGUYỄN CÔNG LÝ-Người Lao Động Báo

+ Chưa có phản hồi.

Thêm ngay.